Giám đốc 9x chế biến tỏi đen bằng thùng phuy, bóng đèn

Chỉ với thùng phuy, bóng đèn cùng ly nước, chàng trai trẻ Chế Viết Vũ ở Đà Nẵng đã lên men thành công sản phẩm tỏi đen có giá thành rất tiết kiệm.

Tốt nghiệp ngành công nghệ hóa sinh tại Đà Nẵng, Vũ có cơ hội bén duyên với những công trình nghiên cứu về các sản phẩm từ nông nghiệp. Cũng qua một dự án, cậu kỹ sư sinh năm 1991 biết đến tỏi đen và nhanh chóng bị hấp dẫn bởi công năng của sản phẩm này.

“Tôi không bắt tay vào thí nghiệm ngay mà đọc tài liệu thật nhiều. Khi đã hiểu được các yếu tố cơ bản cần có thì mới tiến hành nghiên cứu thực nghiệm trên sản phẩm tỏi Lý Sơn. Và đương nhiên cách thức lên men với nhiệt độ và độ ẩm hoàn toàn khác, rất thuần Việt”, Vũ chia sẻ và cho biết phải đến lần thí nghiệm thứ 46 mới thành công với một củ tỏi đen 60 ngày sau khi đã tốn gần 3 triệu đồng chỉ để mua nguyên liệu.

Ba yếu tố chính để lên men tỏi được Vũ tìm ra là nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, nhưng cùng với đó cần phải có ba thiết bị đi kèm. Từ đây chàng trai trẻ bắt đầu nghiên cứu các công cụ lên men.

chang-trai-9x-uoc-mo-lam-giau-voi-toi-den

Vũ cùng em trai đang lên men tỏi đen.

Tỏi được Vũ ban đầu đặt trong một chiếc tủ lạnh đã hỏng, sau chuyển sang dùng thùng phuy (có thể chứa 40kg), bên trong có bóng đèn lấy nhiệt, ly nước tạo độ ẩm và thành thùng phuy được lót nilon dày để không thoát nhiệt. Nhiệt độ từ bóng đèn giúp nước bốc hơi, áp suất giúp tỏi lên men. Trước khi cho lên men, tỏi phải được hấp cách thủy để diệt khuẩn.

Hơn 9 tháng nghiên cứu và ứng dụng các thiết bị tự tạo, Vũ mới có được những thành công bước đầu (tỷ lệ thành công chỉ 1,2%). Chính điều này đã tạo thêm động lực cho Vũ và các anh em trong nhóm tiếp tục tìm hiểu, cải tiến để tạo nên phương pháp lên men vừa đơn giản, vừa tiết kiệm chi phí nhất.

So với việc đầu tư máy móc thông thường (40 triệu đồng một máy, làm được 2kg tỏi), thì những dụng cụ mà Vũ nghiên cứu và áp dụng để lên men tỏi rất đơn giản, giúp hạ giá thành đáng kể mà không mất chất lượng sản phẩm.

Theo đánh giá ban đầu của ông Võ Khắc Phi – Trung tâm Giám định và Chứng nhận hợp chuẩn hợp quy VietCert, dự án của Vũ đã tìm ra thêm một phương pháp để làm tỏi đen với chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao và dễ thực hiện hơn các phương pháp trước.

chang-trai-9x-uoc-mo-lam-giau-voi-toi-den-1

Sản phẩm tỏi đen của công ty Vũ.

Với cái tên I am V (Tôi là người Việt Nam) được đặt cho sản phẩm tỏi lên men vừa tạo ra, Vũ muốn khẳng định với thế giới về chất lượng sản phẩm mà người Việt làm ra.

Vũ cho biết việc lập công ty ban đầu chỉ với mong muốn nghiên cứu sản phẩm ngành thực phẩm và nông nghiệp, chứ không có ý định kinh doanh. Nhưng sau đó, cả nhóm thấy rằng cần phải phân phối rộng để nhiều người có thể tiếp cận được sản phẩm chất lượng tốt như tỏi đen.

Với số vốn không nhiều, Vũ phải tính toán hết sức cặn kẽ để làm sao cho số tiền bỏ ra ít nhất có thể mà vẫn sản xuất được tỏi lên men. Ban đầu Vũ tự làm bóng đèn với chi phí 10.000 đồng, dây điện, phích cắm 10.000 đồng, tỏi Lý Sơn 50.000 đồng mỗi kg và 10.000 đồng tiền điện. Mẻ tỏi đen đầu tiên, một kg tỏi Vũ làm ra được 500 gram tỏi đen, rồi cứ thế nâng công suất tăng dần, và hiện đạt 800 gram.

“Khi đã thành công thì có khoảng 4-5 người vào giúp, nhưng sản phẩm chủ yếu đem tặng và bán cho người quen với giá 750.000-800.000 đồng một kg. Đây là mức giá chỉ bằng nửa giá thị trường với mục đích lấy vốn để tiếp tục đầu tư”, Vũ chia sẻ và cho biết đang bắt tay vào đẩy mạnh sản xuất. Hiện nay công ty đã có khoảng 20 người. Chỉ có một số người được trả lương, còn lại đa phần là những bạn trẻ muốn hỗ trợ Vũ phát triển đam mê về tỏi đen.

Ngoài tỏi đen là niềm đam mê lớn nhất, Vũ cho biết công ty của mình đã nghiên cứu thành công sản phẩm bia trái cây từ hibiscus và quất (đặc sản Đà Nẵng và Hội An), râu mực đặc sản vùng biển Núi Thành lên men đóng hộp…

Dù vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong các vấn đề pháp lý cũng như điều kiện nhân rộng mô hình, nhưng Vũ cho biết đang cố gắng hết sức có thể. Trước tiên là trong khâu thuyết phục Thành phố Đà Nẵng hỗ trợ đầu tư nghiên cứu và sản xuất. Bởi sản phẩm còn quá mới mà không có một mức đánh giá hay thông số kỹ thuật nào đủ rõ ràng để chứng nhận cho sản phẩm.

“Điều này cũng là nguyên nhân chủ yếu khi một ai đó ở Việt Nam nghiên cứu ra sản phẩm mới mà không được ứng dụng, do không có cơ sở hay thông số kỹ thuật để được kiểm chứng”, Vũ tâm sự.

Tuy vậy, với các sản phẩm chất lượng làm ra, Vũ cùng công ty bước đầu đã tạo được niềm tin trong lòng người tiêu dùng khi đã có một lượng khách hàng nhất định đang sử dụng sản phẩm tỏi lên men do cơ sở sản xuất. Hiện chàng trai trẻ này đang thông qua các kênh mạng xã hội để chia sẻ phương pháp nghiên cứu nông nghiệp hay thực phẩm.

                                                                                                                                                                                                                                                    Hạnh Nguyễn

Tin Liên Quan