Eximbank phải khắc phục một số tồn đọng về tín dụng

Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho rằng Eximbank có một số hạn chế trong hoạt động tín dụng, phải khắc phục theo phương án và lộ trình của nhà quản lý.

Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank cho biết, kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước về nhà băng này được công bố sáng 22/10. Thông tin trên cũng được Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng TP HCM Nguyễn Văn Dũng xác nhận.

Nội dung tập trung vào một số vấn đề chính như việc chấp hành quy chế cho vay đối với khách hàng; cho vay kinh doanh chứng khoán; nhóm khách hàng liên quan đến kinh doanh bất động sản; và việc sở hữu cổ phần, cổ phiếu…

Theo lời của vị lãnh đạo Eximbank, kết luận đã chỉ ra một số cổ phần cổ phiếu của Eximbank do một số cổ đông cá nhân đứng tên rồi uỷ quyền cho một vài Thành viên Hội đồng quản trị không đúng quy định, đã được thu hồi và những cổ đông thật của số cổ phần này đã uỷ quyền vô thời hạn, không huỷ ngang toàn bộ số cổ phần đó cho Ngân hàng Nhà nước.

Riêng các hoạt động cho vay, đầu tư tại Eximbank cũng có một số hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục. “Những tồn đọng này không quá nghiêm trọng, để xử lý thì Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra phương án và lộ trình cụ thể để Eximbank khắc phục”, ông nói và cho biết các vấn đề về nhân sự cao cấp không được đề cập trong buổi công bố sáng nay.

Một nội dung khác cũng được lãnh đạo Eximbank khẳng định là ngân hàng sẽ không bị kiểm soát đặc biệt. Nội dung này cũng được đại diện Cục thanh tra giám sát Ngân hàng TP HCM xác nhận với VnExpress. “Thanh tra Eximbank vừa qua là việc bình thường và nhìn chung hầu hết hoạt động của ngân hàng này đều ổn định”, ông Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng TP HCM chia sẻ.

eximbank-phai-khac-phuc-mot-so-ton-dong-ve-tin-dung

Sự chú ý của thị trường đối với Eximbank khi năm 2014, kết quả kinh doanh của ngân hàng này không được khả quan. Ảnh: Lệ Chi.

Trả lời báo chí gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, cơ quan này có thể sẽ thông qua số cổ phần của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam nắm giữ ở Eximbank (Vietcombank hiện sở hữu hơn 8,2% vốn của nhà băng này) và một số cổ phần được các cá nhân uỷ quyền cho Ngân hàng Nhà nước để nhà quản lý đưa nhân sự của mình và Vietcombank vào điều hành, quản lý Eximbank.

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam được thành lập tháng 4/1989 và đi vào hoạt động tháng 1/1990 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Những năm 1995-1996, Eximbank là một ngân hàng tiếng tăm, gần như vượt tất cả các tổ chức tín dụng cổ phần về thanh toán xuất nhập khẩu, chỉ đứng sau Vietcombank. Nhưng thời hoàng kim qua mau khi nhà băng này liên quan đến một số hợp đồng cho vay rủi ro. Năm 1997, Eximbank rơi vào bế tắc và đứng trước nguy cơ đổ vỡ nên phải đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, được sự hỗ trợ về tài chính của Nhà nước, thông qua việc giao cho Vietcombank tiếp quản.

Đầu năm 2000, ông Trương Văn Phước từ vị trí Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh TP HCM được điều chuyển làm Tổng giám đốc Eximbank. Suốt một năm vật lộn với nợ xấu, ông Phước và các cộng sự đã vực dậy thành công Eximbank. Từ năm 2001 Eximbank có lãi trở lại, thoát kiểm soát đặc biệt từ 2004 và tăng trưởng vượt bậc nhiều năm sau đó. Lợi nhuận luôn đạt con số nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm 2014, hoạt động của ngân hàng này chững lại, lợi nhuận cả năm chỉ vỏn vẹn 56 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 169.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 12.335 tỷ đồng. Mặt khác, lại xuất hiện thông tin NamA Bank sẽ sáp nhập với Eximbank, khiến cho thị trường tài chính quan tâm nhiều đến hoạt động của ngân hàng này thời gian qua. Tuy nhiên, mới đây thì lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng Nam Á đã phủ nhận thông tin này và cho biết NamA Bank tự tái cơ cấu bằng nội lực.

Theo Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 được ban hành kèm theo Quyết định số 254 của Thủ tướng Chính phủ thì việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn một là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém (giai đoạn này đã hoàn thành). Giai đoạn 2 là thu hẹp số lượng các tổ chức tín dụng xuống còn khoảng 20.

Những tháng đầu năm 2015, làn sóng mua bán, sáp nhập ngân hàng tiếp tục nóng với hàng loạt “cặp đôi” chính thức được công nhận “hôn ước” như: MHB – BIDV, PG Bank – Vietinbank, Mekong Bank – Maritime Bank và Southern Bank – Sacombank.

Tin Liên Quan